Có những người chơi ảnh dù khởi đầu của họ rất muộn, nhưng họ lại nhanh chóng thành công với các tác phẩm để đời. Nhưng ngược lại, có những tay máy dù cầm máy ảnh đã lâu nhưng vẫn không thể có sự tiến bộ mong muốn. Điều này là hoàn toàn có thật và vẫn diễn ra với khá nhiều người. Nhưng tại sao? Bài viết sau sẽ nêu ra những lý do khiến bạn thất bại trong nhiếp ảnh
Nghĩ rằng thời gian quyết định tất cả
Không riêng gì nhiếp ảnh mà bất cứ một công việc nào cũng đều đòi hỏi một sự chăm chỉ nghiêm túc trong một thời gian dài để có thể tích lũy kiến thức. Nhưng cũng chính vì thế, nhiều người cho rằng chỉ cần cầm máy đủ nhiều là có thể trở thành chuyên nghiệp. Kiểu suy nghĩ “sống lâu nên lão làng” đã trở nên lỗi thời trong thời đại ngày nay. Vấn đề lớn nhất là bạn có thể học được những gì chứ không hoàn toàn là bạn cầm máy được bao lâu. Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ tuổi, sự sáng tạo và khả năng tiếp thu nhanh có thể khiến họ có những bước tiến khá dài. Người xem ảnh không quan tâm tác phẩm họ xem được tạo ra từ một người đã chụp ảnh được 10 năm hay chỉ mới 1 năm, họ chỉ quan tâm tấm ảnh mình đang xem mà thôi.
Bị ám ảnh bởi việc chạy đua thiết bị
Đây là một trong những lý do mà nhiều người dù có đổ tiền tấn vào thiết bị vẫn không bao giờ có thể thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Có những người luôn bị ám ảnh bởi các công nghệ mới, các thiết bị có hình dáng và những công nghệ được tâng bốc lên tận mây xanh. Nhưng nếu không có kỹ năng thì làm sao có thể sử dụng tốt các công nghệ đó.
Một ví dụ đơn cử, chúng ta hay cho rằng chụp ảnh cưới đẹp chỉ dành cho các máy DSLR, nhưng như thế không có nghĩa là các máy ảnh mirrorless hoàn toàn là thứ bỏ đi. Bạn có thể sử dụng các model cao cấp của mirrorless như Sony A7 hay thậm chí là Fujifilm X-Pro 2 vẫn có thể cho ra những hình ảnh rất đẹp (cho dù đại diện của Fujifilm có định dạng cảm biến Crop đi chăng nữa).
Ngoài ra, có khá nhiều các máy ảnh tầm trung vẫn cho các tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế, cho dù chúng có phải cạnh tranh với các siêu phẩm cao cấp đắt tiền và hiện đại hơn. Thứ cần thiết chính là kỹ năng và quan điểm thẩm mỹ của người chụp.
Không dám đột phá hoặc tự đặt ra giới hạn
Nhiếp ảnh đòi hỏi sự sáng tạo nên bất cứ một giới hạn nào cũng có thể giết chết những tài năng. Điều này thường xảy ra với những người mới chơi bị ràng buộc bởi quá nhiều quy tắc. Những quy tắc cơ bản có thể là nền tảng cho bạn trong lúc khởi đầu, nhưng các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thì lại thường chẳng để tâm tới chuyện đó lắm. Sự thật là vẫn có những tuyệt tác được tạo ra từ sự phá cách đó thôi.
Hay ghen tức với người khác
Vâng, tính đố kỵ vì những gì mà người khác làm được luôn tồn tại trong một vài hoặc rất nhiều người. Mỗi khi có ai bước chân vào địa hạt hoạt động của một người, ngay lập tức sẽ có những sự tức giận, dù không được nói ra, dành cho người đó. Họ sợ rằng họ sẽ bị lấn át bởi chính người mới đó. Và như thế, họ không thể làm được gì.
Ít quan tâm tới nhu cầu của khách hàng
Đối với những người yêu nhiếp ảnh và kiếm sống từ nghệ này thì sự hài lòng của khách hàng chính là minh chứng cho sự thành công của người đó. Thật đáng tiếc thay, có lẽ do tư tưởng “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người nên họ dường như ít quan tâm tới nhu cầu của khác hàng. Do đó, họ thất bại.
Điều cần làm là hãy thảo luận và có một sự cam kết chắc chắn với các khách hàng của mình. Chỉ khi đó, bạn mới nhận ra mình đã thành công. Trừ khi bạn chỉ muốn tự khen các tác phẩm của mình và không cần ai công nhận chúng.